3 CÁCH ĐỂ BÁC SĨ TỐT NGHIỆP TẠI VIỆT NAM TIẾP TỤC HÀNH NGHỀ Y TẠI MỸ

Áo Blouse Bác Sĩ, Nhân Viên Y Tế, Nhân Viên Nails Spa, Sinh Viên Y, Áo Phòng Thí Nghiệm, Xét Nghiệm Y Tế

Hiện tại có 3 cách để bác sĩ tốt nghiệp tại Việt Nam có thể tiếp tục hành nghề Y tại Mỹ. Hành nghề Y ở đây có nghĩa là có thể tiếp tục khám và chữa bệnh cho bệnh nhân.

1. Cách đầu tiên là tiếp tục làm bác sĩ.

Nếu bạn muốn đi theo con đường này thì bạn cần phải thi USMLE, đăng ký hồ sơ vào nội trú Y Khoa Mỹ, trải qua quá trình đào tạo nội trú, và tiếp tục làm bác sĩ tại Mỹ.

Nếu bạn có bằng bác sĩ tại Việt Nam thì chỉ cần đào tạo nội trú và không phải học lại trường Y. Chương trình nội trú kéo dài từ 3 năm (Nội Tổng Quát, Nhi, Gia Đình) đến 7 năm (ngoại thần kinh).

Theo thống kê của Medscape 2021, thì lương trung bình của bác sĩ là từ 221 ngàn đô/năm (Nhi), 236 ngàn đô/năm (Gia Đình) đến 526 ngàn đô/năm (Phẫu thuật thẫm mỹ).

(Mình có viết bài chi tiết về nghề bác sĩ tại Mỹ rồi, nên ở đây mình chỉ viết ngắn gọn).

Điểm cộng: Tiếp tục làm bác sĩ, nhiều cơ hội phát triển chuyên môn và nghề nghiệp, lương cao nhất trong 3 cách

Điểm trừ: Thi USMLE và xin vào nội trú Y Khoa Mỹ là một thử thách lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều về thời gian, công sức, và tiền bạc.

2. Cách thứ 2 là làm Nurse Practitioner (NP) hoặc APRN (Advanced Practice Registered Nurse) có thể dịch nôm na là Điều Dưỡng Chữa Trị. Ngành này ở Việt Nam theo mình biết hình như chưa có.

Tại Mỹ, 25 tiểu bang cho phép NP hành nghề khám chữa bệnh độc lập, không cần có giám sát của bác sĩ. Trong những tiểu bang còn lại, NP vẫn cần bác sĩ để cùng ký vào hồ sơ bệnh án.

Trong phòng khám của mình hiện tại có 2 NPs cùng làm việc. NP sẽ khám bệnh nhân một cách độc lập như bác sĩ, và một tháng sẽ nộp tầm 10 bệnh án lên cho bác sĩ giám sát ký để chắc chắn rằng họ đang khám chữa bệnh một cách hợp lý. Khi có những ca khó, thì NP cũng sẽ hỏi Bs hướng dẫn của mình để tham khảo ý kiến.

Để trở thành NP, bạn cần có bằng cử nhân điều dưỡng (Bachelor of Science in Nursing) và có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng (RN). Giai đoạn này mất tầm 3-4 năm.

Tiếp đến là học thêm chương trình Master of Science in Nursing (thạc sĩ điều dưỡng) hoặc Doctor of Nursing Practice (tiến sĩ điều dưỡng). Quá trình này thường mất tầm 2-3 năm nếu học toàn thời gian, hoặc lâu hơn nếu học bán thời gian. Sau khi học xong thì thi National NP Certification Board Exam và chứng chỉ hành nghề tại tiểu bang (APRN license).

Hiện nay có khá nhiều chương trình thạc sĩ điều dưỡng và tiến sĩ điều dưỡng online để các bạn điều dưỡng có thể vừa đi làm vừa học lên thêm. Phòng khám mình cũng có kết nối và hỗ trợ chương trình tiến sĩ điều dưỡng của một trường trong thành phố. Chính vì thế, tầm 3 tháng mình lại có một bạn sinh viên đến thực tập với mình.

NP có thể làm việc trong bệnh viện, phòng khám, phòng cấp cứu, v.v. và có thể làm ở bất cứ chuyên khoa nào, và còn có thể chuyển từ chuyên khoa này sang chuyên khoa khác một cách dễ dàng. Lý do là vì các bạn ấy thường được bác sĩ giám sát đào tạo lúc vào làm (on the job training).

(Điều này khác với bác sĩ, để chuyển chuyên khoa cần phải qua nội trú của chuyên khoa đó).

Theo thống kê Medscape 2020, lương của NP trung bình từ 105 – 128 ngàn/năm.

Điểm cộng: Đào tạo chuyên sâu, được làm việc độc lập (tùy tiểu bang), chương trình tương đối dễ xin vào hơn là chương trình Bs Nội Trú Y Khoa Mỹ, dễ dàng thay đổi chuyên ngành

Điểm trừ: Cũng khá lâu, có thể 5-6 năm tổng thời gian (tính tổng thời gian học cử nhân điều dưỡng), lương thấp hơn bác sĩ.

3. Cách thứ 3 là làm Physician Assistant (PA) (có thể dịch nôm na là Trợ Lý Bác Sĩ hoặc Y Sĩ.

Tại Mỹ, theo luật PA không thể hành nghề độc lập mà phải luôn có BS giám sát. BS sẽ chịu trách nhiệm về sự chẩn đoán và điều trị của PA mình phụ trách. Trong thực tế, thường thì PA khi làm việc có kinh nghiệm sẽ khám bệnh nhân độc lập, và khi cần sẽ hỏi tư vấn với bác sĩ.

Để trở thành PA tại Mỹ, bạn cần— (1) bằng cử nhân và các lớp liên quan đến ngành Y (nếu bạn có bằng cử nhân bác sĩ ở VN rồi thì có thể tìm hiểu để chuyển đổi để khỏi phải học lại bằng cử nhân tại Mỹ) và (2) kinh nghiệm liên quan đến ngành Y.

Tiếp đến, bạn đăng ký vào một chương trình PA (thường là 3 năm). Chương trình này ở Mỹ thuộc hệ Thạc Sĩ.

Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ thi để lấy bằng Physician Assistant National Certifying Exam (PANCE), và chứng chỉ hành nghề tại tiểu bang bạn sống (PA license).

Tương tự như NP, PA có thể làm việc trong bệnh viện, phòng khám, phòng cấp cứu, v.v. và có thể làm ở bất cứ chuyên khoa nào, và còn có thể chuyển từ chuyên khoa này sang chuyên khoa khác một cách dễ dàng.

Theo thống kê Medscape 2021, lương của PA trung bình từ 102 – 132 ngàn/năm.

Điểm cộng: Chương trình tương đối dễ xin vào hơn là chương trình Bs Nội Trú Y Khoa Mỹ, chương trình đào tạo khá nhanh (3 năm), dễ dàng thay đổi chuyên ngành

Điểm trừ: Lương thấp hơn bác sĩ, không được hành nghề độc lập, có thể ít cơ hội phát triển hơn 2 ngành còn lại.

Vậy là, như các bạn thấy, ngoài tiếp tục làm bác sĩ, thì còn có 2 cách nữa để bạn có thể hành nghề Y tại Mỹ nếu bạn thực sự yêu nghề. Chính vì thế, nếu bạn quyết tâm gắn bó với nghề thì chắc chắn sẽ có cách.

PS. Các bạn làm NP và PA nếu thấy mình viết chỗ nào chưa chính xác thì bổ sung hoặc góp ý giúp mình nhé, vì những thông tin này là dựa trên những tìm hiểu của mình và chia sẻ của các bạn đồng nghiệp.

Dr. Christina Nguyễn
~ The Phoenix Medical Academy.

Bài viết liên quan